Tiêu Sơn Tráng Sĩ (SB)
Tiêu Sơn tráng sĩ là cuốn tiểu thuyết dã sử, viết theo lối hồi cố nổi bật trong lịch sử, cũng có thể nói là cuốn tiểu thuyết dày nhất trong sự nghiệp văn chương của Khái Hưng.
Với hơn 400 trang sách, Tiêu Sơn tráng sĩ đã gọi dậy không khí vào giai đoạn cuối XVIII đầu XIX, hay còn gọi là thời kỳ Lê mạt Nguyễn sơ. Giới trí thức buổi ấy phải đứng trước tình cảnh triều đại đổi thay, loay hoay để tìm ra lối thoát cho chính bản thân mình. Thuận theo thời đại hay phẫn uất ẩn mình, tiếp tục nặng mối giang sơn, dốc sức phò Tây Sơn hay gác bút nghiên nghĩ việc cung đao, mưu cầu buổi Lê triều rạng rỡ?
Tiêu Sơn tráng sĩ chính là bức tranh chân thực nhất về lớp lớp thanh niên sống vào giai đoạn đổi thay triều đại khi đứng trước chọn lựa “trung quân”. Họ nhất tề đứng dậy, bỏ lại những ngày thái bình, bỏ lại sau lưng sự nghiệp học hành. Dưới ngòi bút của Khái Hưng, họ giống như những người anh hùng chí lớn không thành, do đủ các nguyên nhân như thiếu thủ lĩnh, thiếu nhân tài, thiếu vật lực. Trong khi triều Tây Sơn mỗi ngày một vững vàng, thì những tâm hồn tiếc nuối ấy chỉ đang như kiến chọi tường đá, bất lực trước một tồn tại không thể phá vỡ. Đến cùng, Khái Hưng đã để Lê Chiêu Thống thốt lên lời – một dấu chấm cho giấc mộng phục hưng – “Vận mệnh nhà Lê ta đã hết”.
Ôi Phạm Thái, một Phạm Thái đầy dáng vẻ văn chương. Phạm Thái từng chọc trời khuấy nước, cũng từng đạp đất mà đi, băng qua dặng dặng giang sơn. Nhưng Phạm Thái ấy, cũng có ngày là kẻ buông cần, ê a bầu rượu, ngâm cùng cá reo, thoát tiếng mà cười: “Ha ha! Chí lớn trong thiên hạ không đựng đầy một hồ rượu”, “Ha ha! Chí lớn trong thiên hạ không đựng đầy hai con mắt mĩ nhân”.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.