Thương Ngàn
—
“Tôi đã đọc bản thảo, thấy rưng rưng thương rừng Việt đã bị khai thác đến mức kêu cứu. Khát khao ‘tiểu thuyết hóa’ tiếng kêu ấy, Vĩnh Quyền không ngần ngại đưa vào Thương ngàn một cấu trúc mới lạ. Cảm hứng và cảm xúc ‘nén chặt’ trong tiếng kêu câm nín của chữ nghĩa. Từ đáy sâu của ‘tiếng kêu tiểu thuyết’ ấy, khối tư liệu khoa học, báo chí tự cất tiếng phán xét về mối quan hệ khủng hoảng giữa con người với tự nhiên hôm nay. Từ đó suối cạn, rừng khô đã được nhà văn chuyển hoá thành nhân vật tiểu thuyết. Và cũng từ đó Thương ngàn có thể là một chỉ dấu cho dòng tiểu thuyết sinh thái của văn chương Việt hiện đại. Nhà tiểu thuyết đã táo bạo thử nghiệm cách viết mới cho thông điệp mới, không nhẽ người đọc lại không nghiệm sinh cách đọc mới?”
– PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Thái –
“Ngoài kia, vạt nắng vàng cam cuối ngày đậu chấp chới trên ngọn lim xanh cổ kính đứng thẳng đơn độc trước sân, cũng là sườn đồi hoang trọc, vậy mà trong lòng nhà sàn đã mờ giăng thứ bóng tối xanh lam ma thuật âm ỉ thoát từ dãy miệng há tròn của hàng chục chum chóe xếp chen chúc quanh ô bếp chỉ còn than ngún. Dẫu vậy tôi vẫn nhận biết bóng đen phục trong vũng tối sau chiếc quan tài hình thuyền độc mộc, thứ của nả được coi trọng trong mỗi nhà Katu, đang khẽ lắp mũi tên lên dây cung”.
“Sau cơn mưa khung trời đêm trở lại màu xanh thẫm nguyên sơ trên những cánh rừng chưa thắp sáng bởi thứ ánh sáng nhân tạo. Bhoo lặng lẽ ngước nhìn ngọn lim xanh rồi mơ màng nhìn quanh. Tôi nhận ra tôi và cô bé Katu có chung một giấc mơ. Rằng lúc này chúng tôi đang trông thấy rừng lim non nhú lên từ mặt đất hoang, lớn thật nhanh quanh gốc lim già, quanh ngôi nhà sàn và trải rộng tới vô cùng”.
“Tôi vụt nhận ra tự lúc nào cây lim xanh ngàn tuổi chơ vơ kia với tôi không chỉ một cái cây, mà là ký ức tương lai”.
“Bức ảnh phong cảnh tôi thực hiện ở Tr’hy treo độc chiếm vách ngăn phòng đọc sách trông như ô cửa nhìn ra khoảnh đồi có mái nhà sàn quạnh quẽ bên cây lim xanh đại thụ. Tôi thỉnh thoảng ngồi đây trong ánh đèn vàng nhạt, giữa các kệ sách thoảng hương giấy cũ, nhấp từng ngụm nhỏ rượu, đắm chìm trước dấu chứng một Trường Sơn nguyên sinh”.
(Những đoạn trích từ tác phẩm)
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.