Sherlock Holmes Toàn Tập (Hộp 3 Bộ)
Có lẽ kể từ khi văn học viết trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của con người, đã có rất nhiều nhân vật bước ra từ trang sách của các nhà văn đi vào đời sống, thậm chí trở thành những biểu tượng bất hủ trong tâm thức nhân loại. Sherlock Holmes của Athur Conan Doyle cũng giống như Don Quixote của Cervantes, Jean Valjean của V.Hugo, AQ của Lỗ Tấn hay Thúy Kiều của Nguyễn Du… đã thoát thai từ một nhân vật hư cấu và trở thành một biểu tượng của đời sống. Tuy nhiên, trong trường hợp Sherlock Holmes, ngoài những siêu kỉ lục về một trong những tác phẩm văn học bán chạy nhất thế giới, một trong những nhân vật văn học được nhiều người biết đến nhất, một nhân vật văn học được tôn vinh dưới rất nhiều hình thức (Viện bảo tàng mang tên Sherlock Holmes, Hội những người hâm mộ Sherlock Holmes, thậm chí là đạo Sherlockian do những fan cuồng nhiệt nhân vật này lập nên)…, thì điều đặc biệt hơn cả là phương pháp suy diễn logic của Sherlock Holmes đã được các cơ quan bảo vệ pháp luật sừng sỏ của Anh quốc như MI6 và Scotland Yard đưa vào giáo trình huấn luyện cho nhân viên của họ.
Nếu tính năm 1887 là sinh nhật của Sherlock Holmes, khi văn hào Arthur Conan Doyle bắt đầu khởi thảo câu chuyện đầu tiên về chàng thám tử lừng danh này, thì tính đến nay, tác phẩm và nhân vật này đã có sức sống trải dài ba thế kỉ. Thế mà khắp nơi trên thế giới, các nhà xuất bản vẫn tiếp tục tái bản sách của Conan Doyle, nhân vật Sherlock Holmes vẫn tiếp tục được tái sinh trong nhiều hình thức nghệ thuật: Điện ảnh, sân khấu, hội họa, truyện tranh, game….
Thật ra, thể loại truyện trinh thám đã có mặt từ rất lâu trong văn học và Conan Doyle cũng như Sherlock Holmes không phải là tác giả hay hình tượng nhân vật thám tử duy nhất để lại tiếng tăm của thể loại này. Những cái tên vĩ đại như Agatha Christie, Maurice Leblanc, Georges Simenon và các hình tượng nhân vật lừng lẫy như Arsène Lupin, Hercule Poirot, Miss Marple, Maigret… hẳn đã đi vào tâm trí của nhiều thế hệ độc giả. Tuy nhiên, để nhắc đến tác giả, tác phẩm và hình tượng nhân vật như một mẫu mực của thể loại này thì có lẽ Conan Doyle và Sherlock Holmes sẽ là một trong những lựa chọn đầu tiên.
Vậy thì đâu là bí quyết để văn hào Conan Doyle xây dựng thành công hình tượng nhân vật bất hủ này. Các nhà nghiên cứu, phê bình văn học có lẽ sẽ nhất loạt chỉ ra mấu chốt chính là nghệ thuật xây dựng nhân vật. Có nhà nghiên cứu đã cho rằng: “Nếu coi câu chuyện trinh thám như một chuyến đi, thì nhân vật chính người tài xế lái chiếc xe đó, sự hấp dẫn của người lái xe có thể khiến độc giả bước lên xe mà không cần biết hành trình sẽ đi đến đâu…”. Vậy thì để xây dựng hình tượng bất hủ như Sherlock Holmes, nhà văn Conan Doyle đã làm như thế nào? Những người quan tâm đến thể loại truyện trinh thám hẳn sẽ không tìm thấy quá nhiều sự khác biệt về thủ pháp dựng truyện giữa các tác giả viết truyện trinh thám truyền thống, đều là cấu trúc sáu phần: (1) Giới thiệu thám tử; (2) Tội ác và các manh mối; (3) Điều tra; (4) Thông báo và giải pháp; (5) Giải thích và giải pháp; (6) Gỡ nút.
Tuy nhiên, trong nghệ thuật xây dựng nhân vật Sherlock Holmes, Connan Doyle đã không chăm chút cho nhân vật của mình theo hướng “thập toàn, thập mĩ”, theo kiểu về tài trí thì thông minh sắc sảo, về phong cách thì lịch lãm hào hoa…, mà tập trung xây dựng những phẩm chất tinh thần đặc biệt. Sherlock Holmes có ngoại hình khó bắt mắt với dáng vẻ cao lòng khòng, gương mặt hơi lạnh lùng, không sinh động, có không ít tật xấu: luộm thuộm, bừa bãi, nghiện thuốc lá nặng, thậm chí còn sử dụng cả morphine và cocaine… Song nếu kiên nhẫn bám sát hành trình của tất cả các vụ án trong tuyển tập Sherlock Holmes, chúng ta sẽ thấy đằng sau vẻ ngoài bình thường ấy là một trí tuệ sắc sảo, khả năng tư duy logic cự phách, con mắt quan sát tinh tường…
Phương pháp làm việc và cũng là bí quyết thành công của Holmes dựa trên nền tảng của bốn sức mạnh: Thứ nhất là sức mạnh của sự quan sát: Theo như cách diễn tả của Holmes là “Từ một giọt nước có thể biết về một đại dương”. Thứ hai là sức mạnh của trí tưởng tượng: Một nhà nghiên cứu đã ví bộ óc của Holmes như một cỗ máy tính điện tử, nhưng điều làm nên sự khác biệt giữa Holmes với cỗ máy vô tri kia chính là trí tưởng tượng, chính trí tưởng tượng đã làm cho việc quan sát đạt kết quả tối ưu và đẩy hệ thống suy luận của Holmes đến thắng lợi cuối cùng. Thứ ba là sức mạnh của sự dấn thân: Tuy bình thường có vẻ lòng khòng, vụng về nhưng ngay khi hệ luận cho kết quả khả tín, Holmes lập tức trở nên mạnh mẽ, quyết đoán như một viên đạn đã lên nòng và chỉ có duy nhất một quỹ đạo di chuyển là bay thẳng đến đích! Trong các vụ án như Chiếc nhẫn tình cờ, Truy tìm dấu bộ tứ, Dải băng lốm đốm…, độc giả có thể chứng kiến phẩm chất người chiến sĩ ở Holmes xuất sắc như thế nào! Thứ tư là sức mạnh của niềm tin vào công lí: Ở Holmes có đầy đủ hai yếu tố tạo thành một con người lí tưởng, đó là một trí tuệ sáng suốt và một trái tim nhân hậu. “Tôi không phải là công lí, nhưng tôi đại diện cho công lí trong phạm vị nhỏ hẹp của tôi” là phát biểu giản dị và gần như duy nhất của Holmes về ý nghĩa và mục đích cao đẹp các cống hiến lớn lao của mình. Bốn nền tảng sức mạnh này đã giúp Holmes có một sức mạnh vô song để chống lại cái ác.
Cái ác trong tác phẩm của Conan Doyle là muôn hình khối, ông đã chỉ ra rằng: Cái ác có mầm mống phần nào từ xã hội. Chính vì thế, nhà văn đã xây dựng nhân vật của mình với ý hướng đằng sau vẻ ngoài khô khan, lạnh lẽo là một trái tim ấm áp tình người, là niềm tin mãnh liệt vào sự chiến thắng cuối cùng của công lí. Trong Chiếc nhẫn tình cờ, Truy tìm dấu bộ tứ, Vụ xì-căng-đan ở xứ Bohemia…, Holmes đã rất nhiều lần bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ với những can phạm mà đồng thời cũng chính là nạn nhân của những định kiến xã hội, các tín điều tôn giáo hay đơn giản chỉ là của thói tham lam, ích kỉ của con người… Ở một góc độ khác, đây chính là sự an nhiên của Holmes trước hư danh và lợi lộc. Khi có người nói giễu ông là “tên chạy giấy cho sở mật vụ Scotland Yard”, Sherlock Holmes chỉ mỉm cười xuề xòa!
Có lẽ chính điều này đã tạo nên sự đồng cảm với độc giả. Dù các vụ án của Holmes đã cách đây hàng thế kỉ, nhưng những thế lực tà ác, đen tối luôn luôn có mặt ở bất cứ thời đại nào. Chính vì vậy mà câu chuyện về Sherlock Holmes luôn luôn ấm nóng tính thời sự, và từ trong thẳm sâu tâm thức của nhân dân luôn rất cần một tinh thần Sherlock Holmes – tinh thần của những trang hiệp sĩ tận tâm, tận lực trong nhiệm vụ cao cả và nặng nề “trừ gian, diệt ác”, và đây cũng chính là một trong những bí quyết tạo nên sự bất tử của vị thám tử lừng danh này.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.