PR Thực – Đẳng Cấp Của Sự Chuyên Nghiệp
Quyển sách dày 224 trang, bao gồm 3 chương. Chương 1 là Tổng quan về PR, tác giả cung cấp cho người đọc cái nhìn toàn cảnh về PR và nghề PR trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Ở chương 2 là PR và kinh tế, tác giả nói về sự tác động của PR đối với doanh nghiệp, cách để tổ chức chiến dịch PR hiệu quả và chương 3 là Tổ chức PR trong doanh nghiệp, Lê Hà Bảo Duy đào sâu hơn nữa về cách xử lý khủng hoảng – vấn đề tiềm ẩn nhưng luôn có mặt trong doanh nghiệp – và làm thế nào để ứng dụng PR một cách linh hoạt, thiết thực.
Chương 3 tác giả viết rất sâu, nhất là về cách xử lý khủng hoảng bằng PR sao cho khéo mà vẫn thu hút sự chú ý của công chúng, người tiêu dùng đối với một người, sản phẩm nào đó. Dung lượng chương này so với chương đầu tuy không bằng (do chương đầu nghiêng về lý thuyết) nhưng đủ sâu và giúp cho quyển sách có sức nặng. Tác giả phân chia các loại khủng hoảng và cách mà người làm nghề PR vận dụng kỹ năng để xử lý chúng cũng đầy thách thức, có thể nói là như “đi trên dây”. Điều thú vị là văn phong của người viết linh hoạt, đôi chỗ hóm hỉnh.
Đi sâu vào từng chương, người đọc thấy được các bước tiến của ngành PR thế giới trong tương quan với lĩnh vực Marketing và rộng ra là hoạt động phát triển doanh nghiệp, tổ chức, gầy dựng thương hiệu mạnh. Điều kiện cụ thể của Việt Nam, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp do các lý do về chiến lược, quy mô, kinh phí… đã không minh định rõ ràng lĩnh vực của PR và Marketing trong một thời gian dài, khiến bộ phận PR vẫn còn được hiểu là “nằm trong” Marketing; người làm PR phải có đủ bản lĩnh và kiên nhẫn để cùng sếp tháo gỡ những vướng mắc đột xuất, thống nhất tầm nhìn phát triển của tổ chức và tạo ra những bước ngoặc giúp tổ chức đứng vững, vượt qua khủng hoảng, tạo đà tăng tiến giá trị thương hiệu.
Bên cạnh những vấn đề lý thuyết được viết như một gợi ý mở, tác giả chú trọng nêu kèm ví dụ cụ thể trong hoạt động PR trên thế giới và ở Việt Nam, bạn đọc qua đó nắm thông điệp của tác giả chuyển tải và có những kiến giải, đánh giá của chính mình, góp phần hình thành lối suy nghĩ độc lập, tích cực khi đứng trước một tình huống trong đời sống, thực tiễn công việc.
Trên tất cả, mục đích cốt lõi của mọi phương pháp trong ngành PR vẫn là cần làm việc với bản lĩnh dấn thân và đạo đức nghề nghiệp, PR thực sự không phải là che giấu hạn chế của tổ chức hay “qua mặt” người tiêu dùng sản phẩm dịch vụ, nó gắn liền với sự chân thành và ý thức giải quyết vấn đề theo hướng tích cực hơn, sửa chữa căn bản, khắc phục triệt để và chạm đến trái tim người tiêu dùng bằng đôi cánh kết hợp cải tiến kỹ thuật, đáp ứng hơn mong đợi của khách hàng.
Thế giới ngày một phẳng hơn, hoạt động kinh doanh ngày một chịu ảnh hưởng của ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo, khoa học trong cung ứng và vận hành… đặt ra những thách thức to lớn cho ngành PR vì thông tin nhanh đến, nhanh lan tỏa, nhanh chìm đi giữa biển truyền thông đa kênh đa chiều, quyết định của người tiêu dùng bị ảnh hưởng ít nhiều bởi công nghệ và những lựa chọn phong phú mà công nghệ đem lại. Lê Hà Bảo Duy gửi gắm trong bản sách chữ “THỰC” đó là bạn cần phải có thực lực qua rèn luyện, thực tâm chú trọng cho hướng đi và thực lòng đổi mới chính mình để phát triển bản thân, tạo ra giá trị bền vững cho thương hiệu tổ chức.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.