Nam Kỳ Và Cư Dân Các Tỉnh Miền Tây
“Tôi đã đọc đi đọc lại cuốn Nam kỳ [Nam Kỳ Và Cư Dân Các Tỉnh Miền Tây] của ông. Những chi tiết nhỏ nhất đã được nắm bắt và trình bày bằng sự sinh động và xác tín của người đã chứng kiến, đã tham gia vào công cuộc gian lao cũng như những tiến bộ thành tựu và rồi tìm ra điểm thu hút độc giả cho tác phẩm của mình.
Công trình này thật cần thiết cho Nam kỳ.
Địa chí các hạt được trình bày hoàn hảo và đầy đủ. Trên hết, ta thấy ở đó một tác giả tận tâm, vô tư, tha thiết phê bình cũng như vinh danh công trạng của chúng ta; thay mặt cho các bạn hữu, thay mặt những người đã yên nghỉ tại những vùng đất xa xôi nhất của Nam kỳ, thay mặt cho tất cả những ai được sống lại kỷ niệm nhờ tác phẩm này, xin chúc mừng và cảm ơn.”
– Ange Eugène Nicolaï, Phó thống đốc Nam Kỳ giai đoạn 1897-1898
Do là tập đầu tiên của bộ Nam Kỳ Và Cư Dân (tên tiếng Pháp: La Cochinchine et ses habitants) nên tác giả Baurac đã chia sách thành hai phần:
– Phần thứ nhất gồm 8 chương giới thiệu tổng quan về vùng đất Nam kỳ (Nam kỳ lục tỉnh xưa) ở các khía cạnh tổng quan: ranh giới tự nhiên, địa hình tự nhiên, điều kiện tự nhiên, hệ động-thực vật đa dạng, các vị thuốc Nam, phong tục tập quán, thế giới tâm linh, các điển tích cho biết nguồn gốc của một số địa danh/nhân vật nổi tiếng… của Nam kỳ. Riêng ở phần đầu này, vì là giới thiệu tổng quan về toàn bộ Nam kỳ nên tác giả dành những phần nội dung trang trọng để giới thiệu về Chợ Lớn và Sài Gòn (riêng một phần chương VI và toàn bộ chương VIII được dành cho Sài Gòn, và qua đây bạn đọc có thể tham khảo về lịch sử hình thành và phát triển của nơi này từ một thành lũy quân sự cổ, rồi đến thời Gia Long, Minh Mạng cho đến thời Pháp thuộc… và hiểu được lý do Sài Gòn lại nắm giữ vị trí quan trọng như chúng ta thấy ngày nay).
– Phần thứ hai gồm 12 chương giới thiệu cụ thể về 11 hạt tham biện thuộc miền Tây thời Pháp thuộc (chương đầu của Phần thứ hai giới thiệu chung về miền Tây Nam kỳ, 11 hạt cụ thể là Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sa Đéc, Long Xuyên, Rạch Giá, Châu Đốc, Hà Tiên (và đảo Phú Quốc), Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu (và quận Ca Màu)). Các chương này được trình bày lớp lang theo bố cục: diện tích, ranh giới hành chính; liệt kê các tổng/làng/chợ/trung tâm hành chính-kinh tế quan trọng ở từng hạt, với những địa danh và nhân danh tạo điểm nhấn cho từng hạt, tác giả đều tìm tòi cách lý giải cho sự tích/huyền thoại liên quan, qua đó gián tiếp giúp người đọc có một hành trình xuyên không-thời gian tìm hiểu về vùng đất; nêu rõ ưu điểm cũng như những điểm bất lợi của từng địa phương đối với khả năng phát triển lâu dài.
Đa phần hành trình của tác giả là đi dọc theo hệ thống sông nước kênh rạch chằng chịt của Tây Nam kỳ, do vậy, những gì đã thấy được đã khích lệ ông mày mò tìm hiểu dữ liệu hành chính và đọc thêm nhiều tài liệu của các tác giả khác (có trích trong Nam kỳ và cư dân).
Một điểm đặc sắc ở toàn bộ sách này, đó là nó thể hiện dưới quan điểm của chính quyền Pháp thời bấy giờ, họ đã làm được một việc lớn cho Nam kỳ: xây dựng hệ thống đường sắt, phát triển hệ thống đường bộ (hệ thống cầu đường còn đến ngày nay) và đường sông để kết nối các địa phương với nhau, tránh để rơi vào tình cảnh cục bộ địa phương.
*Lưu ý: trước mỗi chương ở Phần thứ hai đều có bản đồ hành chính cuối thế kỷ 19 của từng hạt Nam kỳ.
** Để hiệu về khái niệm “hạt” (thay cho tỉnh thời nhà Nguyễn), tham khảo chú thích đầu tiên ở trang 386 của sách.
Ví dụ:
“Sau khi thôn tính các tỉnh miền Tây, người ta [Pháp] đã chia các tỉnh cũ thành hạt thanh tra (inspection) hay là hạt tham biện (arrondissement)1. Một phần của tỉnh Vĩnh Long được tách ra để lập hạt Vĩnh Long và châu thành mang tên này.
Dưới thời cai trị An Nam, tỉnh Vĩnh Long có lãnh thổ rộng lớn bao gồm các hạt hiện nay là Vĩnh Long, Bến Tre và Trà Vinh. Nam kỳ lục tỉnh khi đó chia làm sáu tỉnh, và tỉnh Long Hồ (Vĩnh Long) là tỉnh thứ tư. Khi người Pháp tới Nam kỳ, chức kinh lược của sáu tỉnh đã được trao cho một người sau này rất nổi tiếng trong lịch sử thuộc địa, Phan Thanh Giản. […]”
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.