Thương Nhau Đến Ngày Sau (Sbooks)
Nhớ nhau vẽ một chữ “mình” trăm năm
Ai bảo không buồn là không thương không nhớ. Ai bảo không níu là không đợi không chờ. “Thương nhau đến ngày sau” – dù cách muôn ngả trăm bề lòng vẫn hoài một dấu niệm. Những giọt ngôn từ tí tách nhỏ xuống mảnh đất tháng Mười giữa trời thu man mác, gọi về bao câu chuyện trót bị thời gian phủ ngang qua.
Thương nhau đến ngày sau – một tập tản văn được “hoài thai” trong 1 năm, để chờ đến ngày kỷ niệm SBOOKS bung nở thành những cánh hoa rực rỡ.
Có những câu chuyện nhỏ bé, kể về một Sài Gòn vội vã khiến người ta trót lạc đường, nhưng rồi vội mấy thì vẫn chẳng thể nào bỏ rơi được một những kỷ niệm dấu yêu.
Có những người đưa tay vẽ chữ, họa mấy lời thương lời nhớ gửi đến gia đình của mình, gửi đến người mình vẫn thầm tương tư, gửi đến những người bạn có đi có ở.
Thương nhau – là tấm lòng đấy, mà đến ngày sau, là đến một thời không nào đó xa xôi lắm. Là trái tim đi qua bao bụi trần vẫn còn bền bỉ nồng nàn một vệt tình vẹn nguyên.
Nhà văn Tống Phước Bảo – đại diện Ban Giám khảo của cuộc thi “Thương nhau đến ngày sau” – người đã chọn lọc từng tác phẩm cho cuốn sách xuất bản “Thương nhau đến ngày sau” đã có những cảm nghĩ:
“Bước ra từ cuộc thi “Thương nhau đến ngày sau”, các tác phẩm đã lắng lại trên trang sách này như một điều tất yếu bởi những câu chữ đong đầy cảm xúc luôn cần lưu lại và chuyển tải đến bạn đọc. Thời gian phôi phai lên nỗi đời nhiều vệt kí ức, nhưng có những thứ sẽ là miên trường vĩnh cửu trong chúng ta. Đôi khi chỉ vụn vặt như chuyện uống trà của tác giả Kim Loan mà sự nhớ thương cứ rưng rức mãi miết. Hay như trong tác phẩm “Cúc ơi” của Lê Văn Nhân. Chàng trai trẻ đem đến cho bạn đọc một câu chuyện gần gũi và chân phương thể như sóng nước phù sa miệt chín nhánh vỗ thắt dạ người đọc. Thứ còn lại sau những dâu bể phận người đó là tình thương. Tình thương nắm níu chúng ta gần gũi và tử tế với nhau. Chữ thương miên mải không chỉ từ chuyện đời, chuyện quê, chuyện tình mà còn là chuyện mình. Tất thảy những câu chuyện trong tập sách này, quyện vào chữ thương để bày tỏ một thông điệp đầy tính nhân văn.
Chúng ta đọc một Chung Tiến Lực thâm trầm với giọng văn mang nhiều trải nghiệm; một Hà My kể chuyện nhẹ tênh thể như đang thủ thỉ tỉ tê lòng mình; hay Ngô Thành Đạo với một tác phẩm sống động và dạt dào xúc cảm… Nhiều lắm những tác phẩm mà tin chắc nếu bạn đọc hữu duyên cầm được tập sách này, đôi khi sẽ lại quấn quyến lòng mình bởi những câu chữ quá đỗi thương luyến. Nỗi thương ấy tôi tin, nó sẽ âm vang trong lòng bạn đọc cho đến những ngày sau của hành trình sống dặm dài mà mình đang trải”.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.