Cũng chỉ trong tùy bút, ông mới thỏa chí phóng ngọn bút mỉa mai nhẹ nhàng mà thấm thía của ông được: ông kể lịch trình Nam tiến và Tây tiến của chiếc áo dài phụ nữ, rồi kết: “Thế cho nên chúng ta tin mạnh ở sự thành công cuộc thống nhất đất nước bằng chiếc áo dài. Nó êm thấm, đẹp đẽ hơn những đường lối thống nhất bạo tàn biết bao!”; và làm sao chúng ta không mỉm cười khi ông bảo ở miễu bà Chúa Xứ (Châu Đốc) lễ bái đã được “hiện đại hóa”; không đau xót khi thấy ở một miền nọ – từ Cai Lậy tới Mộc Hóa – cờ nhiều hơn nhà, người đâu là có cờ đấy.Sau cùng, cũng chỉ trong tùy bút ông mới có thể thỉnh thoảng đưa ra những suy đoán mà ông tự nhận trước là “vu vơ, liều lĩnh”. Kể ra đôi khi ông cũng hơi “phiêu lưu” thật – thể tùy bút cho phép chúng ta như vậy – nhưng nhiều chỗ phải nhận rằng ông sâu sắc, như khi ông phân tích tâm lý nhà Nguyễn thiên vị với người Nam, cả với cây cỏ trong Nam hoặc khi ông bảo cuộc Nam tiến từ Bình Định vô Phú Yên, Khánh Hòa là “nhì nhằng” cho nên mới có ái tình Bình Phú (Bình Định-Phú Yên) trong ca dao. Nhiều suy diễn của ông về thơ, về ngôn ngữ, về cách đặt tên của người Thượng cũng làm cho tôi ngạc nhiên. Ông quả có óc tò mò, đọc nhiều và đi nhiều.
Năm 1969, vì ký tên trong một bản kiến nghị rất ôn hòa đòi bãi bỏ chế độ kiểm duyệt đối với ngành xuất bản, ông bị giải nhiệm. Về sau, các diễn biến của sự việc đã đưa ông đến một chức vụ khiến ông có dịp đi đây đi đó khắp trong nước. Nhờ vậy, ông ghi lại những cảm tưởng khi ở Bạc Liêu, Mộc Hóa khi ở Ban Mê Thuột, Bình Định… mà viết nên tập tùy bút này, phong phú hơn ba tập trước của ông nhiều. Vậy trong cái rủi vẫn thường có cái may. Và khi một nhà văn biết lợi dụng nghịch cảnh thì chẳng những có ích cho mình, mà còn có ích cho độc giả, cho văn hóa nữa. Đó cũng là một đề tài lý thú để ông viết tùy bút nữa đấy, ông Võ Phiến.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.