Những Tản Văn Suýt Bị Bỏ Quên Của Bọ Lập
Tôi định đặt tựa là “Những tản văn còn sót lại của Bọ Lập” nhưng sợ bị huông nên đổi lại thành Những Tản Văn Suýt Bị Bỏ Quên Của Bọ Lập, nó đúng là suýt bị bỏ quên thật. Nay kính cẩn gởi tới bạn đọc với lòng biết ơn sâu sắc những ai luôn dõi theo suốt bốn mươi năm văn chương có lẻ đủ mùi hỉ nộ ái ố của cuộc đời tôi.
– Nguyễn Quang Lập
Trích đoạn hay trong sách “Những tản văn suýt bị bỏ quên của Bọ Lập”:
“Và lạnh. Mùa đông sương sớm lạnh giá, cái lạnh rin rín nước. Mùa đông mưa lạnh buốt, cái lạnh sũng nước. Không như sương không như mưa, mưa phùn man mát lành lạnh, cái lạnh thanh thanh. Mưa phùn đủ lạnh để cho ta khi cầm tay nhau, áp vào má nhau, sà vào lòng nhau… bỗng thấy ấm áp lạ thường.
Mưa phùn là vậy đó nhưng chỉ có ở Hà Nội mới cảm được hết, không biết vì sao. Có lẽ mưa phùn ở đây ít bị pha tạp bởi sương mù, gió bấc. Cũng có thể Hà Nội hợp với mưa phùn, tưởng động mà tĩnh, tưởng lạnh mà mát, lặng lẽ nhẹ nhàng không hề vướng víu tiếng ồn như người Hà Nội (Là nói người Hà Nội Đông Đô, Hà Nội Kẻ Chợ). Mới hiểu vì sao ở đâu cũng thích mưa phùn, thích nhất vẫn là người Hà Nội.”
“Mỗi một con người vì ngại chết mà muốn sống. Mỗi một con người vì sợ mất tình mà giữ mãi một lòng nhớ nhung. Cuối cùng thì lòng yêu thương cuộc sống cũng không giữ lại đời người. Cuối cùng thì tình yêu không giữ được người mình yêu…”
“Miền Trung, “cái chảo rang của đất đựng trời”, “đông chưa tàn, hạ đã rạn ban mai”. Sống trọn kiếp với miền Trung mới thấm cái chữ rạn kia. Mùa hạ đã rạn trời, “nắng rúc xù mái rạ”, “bảnh mắt nắng rộm màu cá rán/nghe mo nang lốp bốp nổ khắp làng”, “trời thủng lam nham nắng chiều vàng ổi”. Những mùa hạ điêu đứng. Nắng điêu đứng nắng. “Đất khát chen nhau gầy rạc lời ru”, “những dòng sông thoi thóp nước”. Gió điêu đứng gió. Những ngọn gió “thổi cay thổi rát”, những ngọn gió “cào lửa vào đêm”. Đất gan gà gió xới “bụi đỏ vùi chột cả bóng tre” và “cát mênh mang là cát”, “lốc gió xoáy hình vành nón”, “bạc phau trang giấy trắng học trò”. Đã từng vật vã trong mịt mù cát bụi, tôi hiểu vì sao nhà thơ lại nói: “câu ví dặm nằm nghiêng/trên nắng và trên cát” và vì sao “đến câu hát cũng hai lần sàng lại”.”
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.