Nhà văn Thạch Lam (1910-1942) là một cây bút chính trong nhóm Tự Lực văn đoàn với quan niệm “Văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly hay sự quên, trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn”. Qua những sáng tác văn chương của Thạch Lam, ta cảm nhận được một tâm hồn nhạy cảm, lãng mạn và nhân ái của nhà văn. Đọc những áng văn giản dị và nhẹ nhàng; hiện thực đan xen lãng mạn của Thạch lam người ta luôn thấy len lỏi những tia nắng của hy vọng, tình yêu thương và sự sống. Thế nên Nguyễn Tuân cũng nói: “Ngày nay đọc lại Thạch lam, vẫn thấy đầy đủ cái dư vị và cái nhã thú của những tác phẩm có cốt cách và phẩm chất văn học.”
Hai đứa trẻ là tập truyện gồm 15 truyện ngắn với những tựa như Hai đứa trẻ, Dưới bóng hoàng lan, Cô hàng xén, Đứa con đầu lòng, Sợi tóc, Cuốn sách bỏ quên, Nhà mẹ Lê, Đứa con, Trở về, Một cơn giận, Đói, Người đầm, Hai lần chết, Một đời người và Trước Tết, Tết và sau Tết. Những truyện ngắn chủ yếu viết về cuộc sống thường nhật và thế giới nội tâm của những thân phận nhỏ bé, bình thường ở thành thị và nông thôn.
“Chuyến tàu đêm nay không đông như mọi khi, thưa vắng người và hình như kém sang hơn. Nhưng họ ở Hà Nội về. Liên lặng theo mơ tưởng. Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo. Con tàu như đã đem một chút thế giới khác đi qua. Một thế giới khác hẳn, đối với Liên, khác hẳn các vầng sáng ngọn đèn của chị Tý và ánh lửa của bác Siêu.”
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.