Cá tính sáng tạo chỉ có ở tài năng. Mà tài năng thì không đợi tuổi. Thật có lý khi thi hào, sau này là Phó Tổng thống của Bulgaria, bà Blaga Dimitrova gọi Trần Đăng Khoa là Mozart của Việt Nam. Tài năng của cậu thể hiện rất rõ ở ý thức nghệ thuật khi cầm bút chứ không phải viết dàn trải, thấy gì viết đấy như nhiều trẻ em khác. Tập thơ
Góc sân và khoảng trời đã có trên 50 năm thử thách, in lần đầu năm 1968, đã được dịch ra trên 40 thứ tiếng thế giới. Sau này, nhà thơ viết nhiều thể loại: Thơ, Ký, Tiểu thuyết, Chân dung văn học. Nhiều tác phẩm rất nổi tiếng, nhưng bạn đọc vẫn không quên
Góc sân và Khoảng trời. Mỗi năm cuốn sách được tái bản nhiều lần, mà sức nóng của nó vẫn không hề giảm nhiệt.
Góc sân và khoảng trời chứa một hồn thơ rất mộc. Khi những trang sách mở ra, khi những con chữ trong bài thơ xuất hiện, hơi thở làng quê những ngày binh khói sẽ ngay lập tức ùa vào tâm hồn mỗi người. Đó là một góc quê dí dỏm với tàu dừa – chiếc lược chải vào mây xanh, thân dừa – bạc phếch tháng năm, quả dừa – đàn lợn con, v.v.. Đó là cô phải ở nhà một mình thời chiến, và người anh đau đáu nỗi lo “Mẹ cha bận việc ngày đêm/ Anh ngồi trong lớp lo em ở nhà…”. Thơ Trần Đăng Khoa chính là sự hòa lẫn hình – ý, chữ – tình, gieo vào đầu chúng ta những nốt nhạc ngân nga, để nhớ để tưởng tượng, để hình dung về một vùng quê Bắc Bộ những ngày đạn lạc.
Tập thơ in lại lần này là ấn phẩm đặc biệt nhất, bởi đây là tinh tuyển, chọn lọc những bài thơ hay nhất, tiêu biểu nhất của nhà thơ viết thuở thiếu nhi. Bởi thế, rất nhiều bài quen thuộc, đã hoàn thành nhiệm vụ thời sự của nó, đã không có mặt trong tập thơ này. Những ai còn yêu quê hương, làng cảnh Việt Nam, con người Việt Nam thì còn tìm đến thơ Trần Đăng Khoa. Lần nào đọc lại ông, ta cũng tìm thấy những vẻ đẹp mới. Vì thế thơ ông không cũ, dù đã viết cách đây hơn nửa thế kỷ…
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.