Đàn Bà Uống Rượu
Nguyễn Việt Hà có khả năng nhìn mọi việc ở khía cạnh tréo ngoe và ngược đời của chúng, từ chuyện phụ nữ rắp tâm tranh đoạt lấy quyền cầm cương từ việc uống rượu đến lựa chọn tình yêu cho mình, đến chuyện những người đàn ông vật lộn với việc khẳng định tư cách nam nhi trong một xã hội đô thị đang làm mờ nhòe đi mất những cá tính.
Vẫn sử dụng thế mạnh của lối viết hài hước sâu cay, tung tẩy đi từ Đồng Xuân qua chợ Hôm xuống chợ Đuổi, những địa danh buôn bán nổi tiếng của Hà Nội, Đàn Bà Uống Rượu cũng dành đất ưu ái cho những khoảng lịch lãm của người có học, trân trọng kiến thức và sĩ khí truyền đời. Cái nhìn của Nguyễn Việt Hà về một Hà Nội hư hao nền nếp chứa đựng những tiếc nuối pha khinh bạc. Có thể gọi đó là đanh đá, nhưng cũng có thể gọi đó là nỗi lòng ưu thời mẫn thế mang dáng vẻ đương đại. Dù có lật giở nhiều những dẫn dụ điển cố xưa, tạp văn của Nguyễn Việt Hà trong tập Đàn bà uống rượu vẫn nóng hổi chuyện phố xá, với cái duyên hóm hỉnh không phải ai cũng có được. Ngay cả viết về những câu chuyện tưởng chừng xa xăm mộng mị như nhạc Trịnh Công Sơn qua tiếng hát Khánh Ly, tác giả vẫn rưng rưng niềm xúc cảm pha lẫn sự hóm hỉnh đáng yêu, không sa đà tán tụng du dương.
Trung thành với số lượng 62 bài ứng với số năm sinh, tập tạp văn Đàn Bà Uống Rượu “Cao Bồi Già Hà Nội” này định danh một chân dung thời cuộc, với cái cười giòn giã ngay đấy nhưng để lại những dư vị thâm hậu, khiến cho từ già đến trẻ đều phải hồi hộp mà đọc từ đầu đến cuối. Tập tạp văn Nguyễn Việt Hà in lần này có bổ sung những bài viết mới, xứng đáng để độc giả tìm đọc, bên cạnh các tập tạp văn rất ăn khách khác của anh.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.