Còn Đó Tình Yêu
Với “Tiếng hú”, Hồ Dạ Thảo đã cất lên thứ âm thanh khá khác lạ khiến người nghe chợt giật mình và nhận ra đây là thứ thanh âm của văn chương, dù đây là tập truyện ngắn đầu tay của anh (riêng thơ, Hồ Dạ Thảo có vài đầu sách in chung và riêng)
Văn Hồ Dạ Thảo day dứt, gai góc. Nhân vật đau đáu nỗi niềm được và mất.
Thân phận nhân vật của Hồ Dạ Thảo còn chính là thân phân của con người sống sót sau chiến tranh; những con người luôn tự giằng xé, phân thân và phải đối mặt với quá nhiều hệ lụy thời hậu chiến. Khát vọng, hoài bão, giá trị tốt đẹp nơi mỗi con người, nhiều lúc bị bào mòn, bị quăng quật tơi tả trước cái dòng xoáy nghiệt ngã của của cơm áo gạo tiền.
Ngôn từ chắc lọc. Tình tiết phong phú. Tính triết lý ẩn hiện trong từng câu chuyện.
Vì ở cách xa, nên tôi và anh Hồ Dạ Thảo chỉ trao đổi về cái hay cái chưa hay nơi trang bản thảo, qua điện thoại.
Và “Tiếng hú” gồm 20 truyện ngắn với hơn 250 trang in được bạn đọc chào đón, tuy khá lặng lẽ. Anh Hồ Dạ Thảo rất vui. Anh nói với tôi là anh đang viết tiếp, sẽ in quyển tiếp theo…
Nhưng thật bất ngờ, nhà văn Hồ Dạ Thảo vĩnh viễn ra đi, sau một cơn đột quỵ, không kịp nói một lời với vợ, với con.
Sau khi anh Hồ Dạ Thảo mất, ngày giỗ anh và ngày mùng một Tết, vợ anh, chị Đàm Thị Ngọc Lý luôn gọi cho tôi (và có lẽ chị cũng gọi cho bạn bè của chồng mình), chị chỉ nói, gần như cùng một câu “Hồi anh còn sống, anh hay nhắc đến em, anh rất quý em”, rồi chị lại khóc. Anh ra đi nhiều năm rồi mà nước mắt chị dành cho chồng vẫn nóng hổi, như anh vừa mới ra đi.
Ba năm trước, tôi rủ một người bạn, từ Nhà sáng tác Nha Trang đến nhà anh chị Hồ Dạ Thảo ở thị xã Ninh Hòa.
Một phần lớn nhà anh chị Hồ Dạ Thảo nằm trên đường Sông Cạn làm quán cà phê và anh Hồ Dạ Thảo, tác giả ‘Tiếng hú” lấy từ “Nghệ sĩ” đặt tên cho quán – Quán Cà phê Nghệ sĩ.
Lúc chúng tôi ngồi quanh bàn ăn bữa trưa cùng với chị Lý và các con: con gái, con trai, con dâu của anh chị, qua chuyện trò, qua những khoảng lặng… tôi nhận ra các con của anh, mà rõ nhất là cô con gái thứ Uyên Trang mang tố chất “nghệ sĩ” của cha và của mẹ.
Uyên Trang đọc thơ cha, thuộc nhiều bài thơ của cha từ lúc còn bé nhưng khi đọc lại những bài thơ của cha cho chúng tôi nghe, cô vẫn không kìm được cảm xúc.
Chị Đàm Thị Ngọc Lý, còn là tác giả một tập thơ và vẫn đang đắm đuối với những bài thơ đầy ắp kỷ niệm, ký ức và nỗi nhớ dành cho chồng. Chị như một người mắc nợ văn chương, món nợ mà chồng chị đeo mang và để lại cho đời “Tiếng hú”…
“Tiếng hú” ấy, tôi tin, vẫn âm vang, thậm chí có lúc rền vang, nếu người đọc lắng lòng lại, lắng nghe và cảm nhận.
Và rồi, hai tháng trước, chị Đàm Thị Lý gởi cho tôi file bản thảo Còn Đó Tình Yêu của cố tác giả Hồ Dạ Thảo. Đây là một truyện vừa mang nhiều yếu tố hồi ức về một phần đời của chính tác giả cùng với những con người đã có một quãng đời với đầy ắp kỷ niệm, nỗi niềm và khát vọng vươn đến chân trời cao hơn, đẹp hơn.
Tuy nhiên, so với tập truyện ngắn “Tiếng hú” thì Còn Đó Tình Yêu vẫn chưa phải là một truyện vừa hoàn chỉnh. Nhiều đoạn, nhiều chương vẫn là những mảnh ghép và mối ghép của nó vẫn chưa liền mạch, bởi tác giả chưa kịp hoàn tất bản thảo của mình. Hồ Dạ Thảo đột ngột ra đi. Anh bỏ lại trang viết dở dang…
Đàm Thị Ngọc Lý, người vợ, người bạn đời, cũng là bạn văn thơ của cố tác giả Hồ Dạ Thảo. Chị đã gom góp di cảo của chồng, đọc đi đọc lại từng chữ, từng dòng những trang viết từ sổ tay, từ bản thảo. Mỗi lần đọc bản thảo dở dang của chồng, chị Đàm Thị Ngọc Lý lại không cầm được nước mắt. Chị khóc cho anh, khóc cho nhiều dự định chưa kịp hoàn thành của anh. Khóc cho định mênh nghiệt ngã đã rứt anh khỏi chị, khỏi gia đình, khỏi cuộc đời. Và khóc cho tình yêu vẫn tươi xanh như ngày nào dù năm tháng trôi qua.
“Tình yêu còn ở lại” là tên một trong nhiều bài thơ mà chị Đàm Thị Lý viết cho chồng, viết cho tình yêu anh còn mãi nơi chị. Và từ Còn Đó Tình Yêu, quyển sách thứ hai của cố tác giả Hồ Dạ Thảo được lấy tên theo tựa đề bài thơ “Tình yêu còn ở lại”.
Có lẽ không chỉ là tình yêu, mà còn cả những trang viết giàu chất văn của Hồ Dạ Thảo, cũng sẽ còn ở lại với cuộc đời này.
Thành phố Thủ Đức, ngày 10.8.2021
BÍCH NGÂN
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.