Bỏ Qua Rất Uổng
Là một cái tên rất quen thuộc, từ lâu cái tên tác giả Lê Giang đã gắn liền với người chồng – nhạc sĩ Lư Nhất Vũ. Đôi vợ chồng cùng nắm tay nhau đi suốt hành trình dài với nghệ thuật, để cho đời hàng loạt công trình mà chỉ riêng sưu tầm, biên soạn dân ca đã được ghi nhận như một thành quả lớn cho việc nghiên cứu nghệ thuật dân gian của Việt Nam. Nhưng ở Bỏ qua rất uổng, tác phẩm mới nhất của Lê Giang, bà lại hầu như không nhắc nhiều đến công việc của mình. Tuy gọi là tản văn, bút ký nhưng nếu đã đọc qua, hẳn ai cũng cảm nhận được tác phẩm có thể xem là một dạng “tiền hồi ký” của tác giả.
Tác phẩm chia làm hai phần chính, phần một có nhan đề Cuộc chạy trốn cầu âu, mở đầu với những câu chuyện kỷ niệm của một thời cách mạng, khi đó người nghệ sĩ Lê Giang còn là một cô y tá nhỏ, theo các chú, các bác, các anh trên con đường cách mạng. Những câu chuyện trong phần này là các ký ức của tác giả với những người anh, người bạn thời đó, như nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhà thơ Anh Đức, nhà thơ Viễn Phương, Giang Nam, họa sĩ Thái Hà… Điểm chung của các câu chuyện là sự dí dỏm đầy duyên dáng của tác giả. Người đọc bị cuốn theo cái dí dỏm, duyên dáng của từng câu chuyện mà bất chợt quên đi cả cái khốc liệt của chiến tranh. Cái sự quên đi đó thể hiện rõ nhất ở câu chuyện khép lại phần này có nhan đề Cuộc chạy trốn cầu âu, được xem là một phần tự truyện của tác giả. Tác giả viết với giọng nhẹ tênh về chuyện rời gia đình, chưa kịp chia tay đứa em nhỏ, về nỗi lo lắng bị ba bắt về, rồi cảnh rừng U Minh, cái ghe, con nước… Những mẩu chuyện be bé đầy hình ảnh đưa người đọc đến với những khung trời mới. Có bạn đọc nhận xét rằng, đọc đoạn này xong bật cười, nhưng đến khi khép sách lại mới giật mình, nể phục hình ảnh một cô gái nhỏ, rời xa gia đình dấn thân vào một con đường xa lạ, dữ dội – một con đường mà thậm chí khi đã đi trên đó, cô vẫn bàng hoàng không hiểu mình đã đi hay chưa. Rồi cũng như thế, câu chuyện cô y tá nhỏ nhận lệnh chăm sóc một người đồng đội bị bệnh, cô chẳng nhắc gì đến căn bệnh, người đọc cũng không để ý đến sự day dứt, lưỡng lự của hai người chỉ huy khi phân công nhiệm vụ cho cô. Nhưng khi người đọc bị cuốn vào “cuộc chiến” giữa cô y tá với những con kiến lửa lúc nào cũng lăm le tấn công hai con người trong căn chòi giữa cánh đồng hiu quạnh, mãi đến khi người bệnh không qua khỏi, cô y tá trở về báo cáo, thì sự day dứt của hai người chỉ huy và lời dặn dò “…tất cả những thứ thuốc của anh Ba còn lại để phòng bệnh cho cháu” mới hé lộ. Đến đây người đọc mới bàng hoàng, ngơ ngác, mới hiểu được vì sao họ phải ở giữa đồng, mới hiểu rằng tác giả đã nhẹ nhàng thế nào khi kể lại một chuyện chẳng chút nhẹ nhàng. Căn bệnh lao khi đó là bệnh nan y, dễ lây, chăm sóc người bệnh lao nhất là trong điều kiện chiến khu khi đó là cả một sự mạo hiểm…
Nếu phần đầu dành cho một thời chiến tranh thì phần hai lại dành cho thời hiện tại, kể cả có nhắc lại quá khứ cũng là chuyện của những người bạn cùng ngồi nhắc lại với nhau. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có lần nhận xét, cô Năm (nhà văn Lê Giang sinh thứ năm) viết gì cũng nhắc đến việc ăn uống… nhưng cái ăn uống này không phải là phàm ăn, mà là ăn để thỏa mãn tình quê! Đó có lẽ là nhận xét đúng nhất với những câu chuyện của cô Năm Lê Giang. Như trong bài Chợ ơi, chỉ đơn giản là câu chuyện của người vợ đi chợ, chọn mua đồ nấu cơm cho chồng với mấy món ăn dân dã là cá trèn chiên, bống trứng kho quẹt, canh rau dền cơm… vậy thôi mà gợi cho bạn đọc biết bao cảm giác về sự đầm ấm, về những hoài niệm quê hương.
Có người nhận xét, Bỏ Qua Rất Uổng còn có một giá trị to lớn nữa, đó là vai trò như một cuốn từ điển về phương ngữ Nam bộ. Từ cái nhan đề, đến từng câu văn, bạn đọc có thể thấy những từ Nam bộ khắp mọi nơi, từ “uổng”, “cầu âu”, “số dách”… đến những “cà vom”, “Chăng Cà Mum”…, tất cả đều được sử dụng nhuần nhuyễn, xuất hiện trong câu văn rất gần gũi và thân thiện như nó vốn có. Có lẽ hiếm có một tác phẩm mới nào mà phương ngữ Nam bộ lại được dùng hay đến như thế, dễ hiểu đến như thế.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.